Với mức tăng ước đạt 9,6%; Tổng bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2023 đã vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8% - 9%). Trong đó, Thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục là gam màu sáng khi đã tác động tích cực đến nền kinh tế số. Bước sang 2024, khi thị phần trên các sàn TMĐT dần được hình thành bởi các thương hiệu lớn thì các doanh nghiệp cần tiếp cận nền tảng này một cách bài bản và có chiến lược hơn. Báo cáo “toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2023 & dự báo 2024” - thực hiện bởi Metric – Nền tảng dữ liệu E-Commerce, dựa trên các số liệu công khai và không bị ảnh hưởng bởi các đơn vị thứ ba. Trong Báo cáo này, số liệu thống kê đã loại bỏ các loại sản phẩm: các hàng hoá ở dạng dịch vụ, quà tặng có sản lượng bán bất thường không tương xứng với phản hồi từ người tiêu dùng và các sản phẩm bán đơn ảo. Các thông tin thị trường khách quan này sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp & nhà bán phân tích sâu hơn, kịp thời điều chỉnh chiến lược Kinh doanh & Marketing cho năm 2024.
Tổng quan thị trường sàn bán lẻ trực tuyến
Nhìn lại 2021 - 2023, Thị phần doanh thu 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo tăng từ 31,4% năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C.
So với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C thì mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến đang cao hơn và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ năm 2022 đến năm 2023.
Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, theo cùng với xu hướng thế giới. Năm 2023 với sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới điển hình là livestream và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng TMĐT chuyên nghiệp.
>> Có thể bạn quan tâm: 3 cách giúp các Doanh nghiệp B2C gia tăng doanh thu tại cửa hàng thông qua kênh online
Phân tích thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023
Tăng trưởng doanh thu chung năm 2023 so với năm 2022 đạt 53,4%, đặc biệt tăng mạnh ở 2 quý cuối năm với mức tăng trưởng cao nhất đạt 89,9% vào tháng 9. Đây cũng là tháng đạt doanh thu cao nhất trong năm với 21,1 nghìn tỷ đồng trên cả 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo. Người tiêu dùng không còn thói quen đợi đến cuối năm mới tập trung mua sắm mà giờ đây nhu cầu mua sắm trải đều trong năm. Khoảng thời gian tháng 8 trở đi là thời điểm người tiêu dùng bắt đầu mua sắm mạnh nhất.
Qua 6 năm phát triển của thị trường TMĐT tại Việt Nam, những ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán là Làm đẹp, Nhà cửa – Đời sống vàThời trang nữ. Đây là những ngành hàng chiếm ưu thế lớn với tốc độ tiêu dùng nhanh, khả năng lưu kho, vận chuyển dễ dàng. Vì vậy, đây cũng là những ngành hàng có tính cạnh tranh cao nhất trên thị trường.
>> Có thể bạn quan tâm: Bộ tài liệu Đào Tạo Nhân Viên Sales theo chuẩn quốc tế
Điện gia dụng, Điện thoại & Máy tính bảng đang có xu hướng dịch chuyển mạnh lên các sàn bán lẻ trực tuyến. Các thương hiệu lớn tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, đầu tư các trang Mall với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn người mua và đạt được thành công nhất định khi doanh thu và sản lượng bán bán đều tăng nhanh chóng trong năm 2023.
Ngành hàng Thể Thao & Du lịch có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất tới 92,1% và số nhà bán tăng 3,1% so với năm 2022.
Năm 2023 có 163.748 thương hiệu đã bán hàng thành công trên sàn bán lẻ trực tuyến, giảm 4% (tương đương 6.798 thương hiệu) so với năm 2022. Tất cả ngành hàng trên các sàn bán lẻ trực tuyến đều có số lượng thương hiệu giảm. Trong đó, Voucher – Dịch vụ, Mẹ & Bé, Đồ chơi, Văn phòng phẩm, Thời trang trẻ em, Thiết bị âm thanh, Đồng hồ & Trang sức là những ngàng hàng có mức giảm lớn nhất.
>> Đọc chi tiết tại: Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2023 (Dự báo 2024)
Phân tích chi tiết ngành nổi bật năm 2023
Ngành hàng làm đẹp
Tăng trưởng doanh thu chung ngành hàng Làm đẹp năm 2023 so với năm 2022 đạt 52,2%. Sức mua hồi phục bắt đầu từ Quý 3/2023 với doanh thu trung bình 6 tháng cuối năm đạt 2,86 nghìn tỷ đồng. Doanh thu tháng 8 tăng trưởng 96,1% so với cùng kỳ 2022; đạt gần 4 nghìn tỷ đồng - mức doanh thu cao nhất trong năm 2023
Sự cạnh tranh ở ngành hàng Làm đẹp đang vô cùng khốc liệt và xu hướng dịch chuyển lên Shop Mall ngày một rõ rệt, dự kiến điều này vẫn tiếp tục trong năm 2024.
Ngành hàng Bách hóa – Thực phẩm
Ngành hàng Bách hóa – Thực phẩm có doanh thu đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng ngàng hàng và đứng thứ 4 về sản lượng bán trên tổng 5 sàn bán lẻ trực tuyến trong năm 2023. Cụ thể, doanh thu ngành hàng đạt 11 nghìn tỷ đồng với 140 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra.
Tăng trưởng doanh thu chung của ngành hàng Bách hóa – Thực phẩm năm 2023 so với năm 2022 đạt 64,8%. Dấu hiệu hồi phục sức mua bắt đầu từ Quý 3. Trong đó, tháng 7 đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất là 102%; và tháng 9 đạt doanh thu cao nhất với gần 1000 tỷ đồng
Ngành hàng Điện gia dụng
Ngành hàng Điện gia dụng có doanh thu đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng ngành hàng trên tổng 5 sàn bán lẻ trực tuyến trong năm 2023. Cụ thể, doanh thu ngành hàng đạt 17,4 nghìn tỷ đồng với 45 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra.
Tăng trưởng doanh thu chung ngành hàng Điện gia dụng năm 2023 so với năm 2022 đạt 55,1%. Dấu hiệu hồi phục sức mua bắt đầu từ Quý 3 với tháng 10 có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ là 123%. Tháng 9 đạt doanh thu hơn 2 nghìn tỷ đồng - cao nhất trong năm 2023
>> Đọc chi tiết tại: Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2023 (Dự báo 2024)
Dự báo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2024
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
DTC - Direct to Consumer (trực tiếp đến người tiêu dùng) - sẽ tiếp tục trở nên phổ biến hơn.
Tức là thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây doanh nghiệp sản xuất (NSX) bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng trên các sàn TMĐT. Điều này cho phép NSX kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, Marketing và bán hàng. Đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên lợi nhuận cao hơn.
AI, Machine Learning và Phân tích Big Data (Dữ liệu lớn) tiếp tục lên ngôi
Công cụ tuyệt vời này giúp thương hiệu gia tăng doanh thu và thị phần dựa trên số liệu phân tích xác thực, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của thị trường. Người quản lý doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn những gì người tiêu dùng muốn, chuyển biến của thị trường; từ đó tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp có bước đi chắc chắn, giảm thiểu rủi ro và ra quyết định nhanh hơn đối thủ. Big data cũng giúp tối ưu giao vận - hậu cần, quản lý chuỗi cung ứng, R&D và vận hành kinh doanh trên sàn.
Tiêu dùng bền vững Xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm không bỏ qua TMĐT.
Người tiêu dùng có cảm tình và ưu tiên sử dụng các sản phẩm của thương hiệu thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội thay vì chỉ mức giá thấp hoặc được giảm giá sâu
Thế hệ Baby Boomer nởmuộn chi nhiều tiền hơn cho mua sắm online.
>> Đọc chi tiết tại: Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2023 (Dự báo 2024)
Nguồn: Metric – Nền tảng dữ liệu E-Commerce.