Mục tiêu SMART: Nguyên tắc đặt và 10 ví dụ thực tế dễ hiểu cho doanh nghiệp nhỏ

Thời gian đọc: 19 phút
Quản trịBài viếtInfographic
06/07/22 16:18:42 | Lượt xem: 6138
Mục tiêu SMART: Nguyên tắc đặt và 10 ví dụ thực tế dễ hiểu cho doanh nghiệp nhỏ

Mục tiêu SMART sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ của bạn đạt được các kết quả chiến lược. Về cơ bản, SMART là các mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, phù hợp và có thời hạn. Trong bài này, chúng tôi sẽ đưa ra nguyên tắc đặt mục tiêu SMART kèm 10 ví dụ thực tế dễ hiểu trong doanh nghiệp nhỏ.

Theo Trung tâm Hiệu quả Quản lý & Tổ chức CMOE (Mỹ), các nghiên cứu chỉ ra rằng: Nhóm có thiết lập mục tiêu sẽ cải thiện được 20-25% hiệu suất. Ngoài ra, nhân viên có mục tiêu sẽ hạnh phúc hơn trong công việc, ít căng thẳng và làm việc hiệu quả hơn.

Tải ngay mẫu quản lý mục tiêu tại đây!

Nguyên tắc đặt mục tiêu SMART

Bạn đã biết mục tiêu SMART là gì nhưng vẫn còn mơ hồ? Cụ thể nguyên tắc đặt mục tiêu SMART ra sao để định hướng chuẩn và dễ thực thi nhất cho doanh nghiệp nhỏ của bạn? Dưới đây là cách mỗi chữ cái trong từ viết tắt SMART sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực để đạt kết quả mong muốn.

nguyên tắc đặt mục tiêu smart và ví dụ mục tiêu smart cho doanh nghiệp nhỏ slimcrm

S (Specific) = Cụ thể

Chữ “S” trong mục tiêu SMART là viết tắt của “Tính cụ thể”.

Hãy viết ra chính xác những gì bạn muốn làm kèm hành động cụ thể. Ví dụ: thay vì nói, “Tôi muốn có nhiều khách hàng hơn”, bạn có thể nói, “Tôi sẽ đăng ký cho bốn khách hàng mới trong quý tới”. Những câu hỏi chính mà bạn và team cần đặt ra là:

  • Mục tiêu là gì?
  • Cần hoàn thành những gì?
  • Ai (nhóm nào) chịu trách nhiệm hoàn thành hoặc thúc đẩy nhiệm vụ/dự án này?
  • Họ sẽ thực hiện những bước nào để đạt được điều đó?

Lưu ý: mục tiêu cung cấp thông tin chính xác về việc cần làm, tuy nhiên bạn vẫn cần vạch ra các nhiệm vụ và mục tiêu phụ để hoàn thiện kế hoạch.

M (Measurable) = Có thể đo lường

Chữ “M” trong mục tiêu SMART giúp bạn làm rõ và định lượng những nỗ lực của mình để có thể “Đo lường” chúng.

Mặc dù việc thiết lập một mục tiêu có vẻ hiển nhiên, nhưng nhiều người không thêm thành phần quan trọng này vào khung mục tiêu của họ. Các phép đo giúp xác định liệu bạn có thật sự đạt được mục tiêu hay không.

A (Achievable) = Có thể đạt được

Chữ “A” trong mục tiêu SMART thể hiện yếu tố “Khả năng đạt được” của mục tiêu.

Bước này nhắc nhở chúng ta kiểm tra để đảm bảo mục tiêu nằm trong tầm tay (thực tế). Các nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm sẽ cho bạn biết rằng, mọi người luôn được thúc đẩy bởi các mục tiêu mang tính thách thức, miễn là chúng đừng quá xa xôi. Bạn cần cả sự tham vọng cũng như thực tế khi lên kế hoạch.

R (Relevant) = Phù hợp

Chữ “R” trong mục tiêu SMART giải quyết “Mức độ phù hợp” của mục tiêu.

Nếu kế hoạch kinh doanh tổng thể của bạn hướng đến tăng lợi nhuận thay vì doanh số, thì có lẽ khách hàng mới không phải là mục tiêu chính lúc này. Thay vào đó, bạn cần phải tập trung vào việc giữ chân khách hàng hiện tại và thu lợi nhuận từ mỗi giao dịch, tăng giá, hoặc giảm chi phí sản xuất.

T (Time-bound) = Có thời hạn

Chữ “T” trong mục tiêu SMART đề cập đến khía cạnh “Thời gian” trong mục tiêu của bạn.

Đặt khung thời gian xung quanh mục tiêu của bạn là điều cần thiết. Nó không chỉ xác định thời điểm tổng kết hành động mà còn thúc đẩy nỗ lực. Nếu bạn không đặt khung thời gian, có khả năng công việc sẽ kéo dài vô tận và ảnh hưởng tới tiến độ của toàn doanh nghiệp.

10 ví dụ thực tế về mục tiêu SMART

mục tiêu smart nguyên tắc đặt ví dụ

Nhìn vào ví dụ thực tế là cách tốt nhất để hiểu mục tiêu SMART đang được dùng thế nào trong doanh nghiệp nhỏ. 10 ví dụ đưa ra liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Đây sẽ là gợi ý thiết thực để bạn bắt tay vào đặt mục tiêu SMART cho team mình và tập trung theo đuổi chúng từ hôm nay.

Lập kế hoạch Marketing cho doanh nghiệp mới trong 1 tháng

Khi bắt đầu một công việc kinh doanh mới, bạn sẽ có rất nhiều việc phải dự tính. Nhiều khi kế hoạch lại lồng kế hoạch. Lập plan marketing cho doanh nghiệp mới là một mục tiêu SMART quan trọng.

  • S - Cụ thể: Chúng ta cần lập một kế hoạch marketing phác thảo cụ thể, dễ tuân theo, đảm bảo đã bao gồm những thông tin quan trọng nhất.
  • M - Có thể đo lường: Mỗi tuần trong tháng, chúng ta sẽ hoàn thiện 25% kế hoạch để đảm bảo hoàn thành trong vòng một tháng.
  • A - Có thể đạt được: Một tháng là đủ để thực hiện tất cả các nghiên cứu thị trường và phân tích doanh nghiệp cần thiết để lập một kế hoạch marketing tốt.
  • R - Phù hợp: Nếu không có một kế hoạch marketing vững chắc, doanh nghiệp đang thiếu một yếu tố quan trọng để thành công.
  • T - Có thời hạn: Thời hạn là một tháng.

Mời bạn tải vể:

1. 10 mẫu excel chuẩn quốc tế mọi Marketer đều cần

2. 9 mẫu kế hoạch Marketing cho từng lĩnh vực

Trả hết 100 triệu đồng nợ doanh nghiệp trong vòng 12 tháng

Đặt mục tiêu tài chính là một bước quan trọng để giành quyền kiểm soát tài chính doanh nghiệp của bạn. Một ví dụ về mục tiêu SMART có thể là trả bớt nợ của doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng trả lương cho nhân viên hay đầu tư các dự án khác.

  • S - Cụ thể: Trả hết 100 triệu đồng.
  • M - Có thể đo lường: Chúng ta có thể đo lường tiến độ bằng cách theo dõi tài khoản tiền mặt của mình và theo dõi hoạt động của chúng ta hàng tháng.
  • A - Có thể đạt được: Chúng ta sẽ đạt được điều này bằng cách chi tiêu ít hơn cho mục tiêu tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy các nhà cung cấp thanh toán đúng hạn và đầy đủ.
  • R - Phù hợp: Chúng ta sẽ nêu bật các cơ hội phát triển và dự án trong năm được hưởng lợi từ việc thanh toán nợ này.
  • T - Có thời hạn: Trong vòng 12 tháng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình.

Thiết lập mạng lưới bán hàng từ xa trong 7 ngày

Đặt mục tiêu SMART để chuyển đổi sang hoạt động từ xa vì đại dịch là một phần quan trọng để duy trì văn hóa bán hàng trong thời gian căng thẳng. Ví dụ về mục tiêu SMART này bắt nguồn từ trải nghiệm thực tế mà nhiều người đã phải đối mặt.

  • S - Cụ thể: Mọi thành viên trong nhóm bán hàng từ xa của chúng ta phải được kết nối và hoạt động.
  • M - Có thể đo lường: Nhiệm vụ hoàn thành khi hệ thống mạng lưới đang hoạt động và nhân viên từ xa của chúng ta có thể làm việc.
  • A - Có thể đạt được: Mặc dù mục tiêu này đầy tham vọng, nhưng chúng ta có thể đưa nó lên đầu danh sách ưu tiên, và tạm thời thu hút các nguồn lực từ các dự án dài hạn hơn để hoàn thành mục tiêu cần thiết này.
  • M - Phù hợp: Vào năm 2020, mạng lưới từ xa giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Trong thế giới hậu COVID, nó vẫn sẽ giúp nhân viên làm việc hiệu quả và linh hoạt.
  • T - Có thời hạn: Giới hạn thời gian cho mục tiêu này là 7 ngày.

mục tiêu smart nguyên tắc đặt ví dụ

Tăng số lượt đánh giá của khách hàng mới lên 30% so với năm trước

Sự phát triển của hầu hết các doanh nghiệp ngày nay đều liên quan đến nhận thức về thương hiệu trên thị trường. Một cách vô cùng quan trọng để gia tăng nhận thức về thương hiệu là tăng cường đánh giá của khách hàng, như trong mục tiêu SMART sau đây.

  • S - Cụ thể: Tăng 30% đánh giá của khách hàng.
  • M - Có thể đo lường: Chúng ta đo lường tiến trình của mình thông qua báo cáo hàng tháng, nó cho biết liệu chúng ta có đạt được mục tiêu hay không.
  • A - Có thể đạt được: Chúng ta đã tăng 20% ​​đánh giá của khách hàng vào năm ngoái. Chúng ta tin rằng mục tiêu 30% là có thể đạt được.
  • R - Phù hợp: Dựa trên nghiên cứu của chúng ta từ trước đến nay, lượng đánh giá của khách hàng tăng thì doanh số bán hàng trên các kênh hàng đầu của doanh nghiệp cũng sẽ tăng.
  • T - Có thời hạn: Đây là so sánh theo năm.

Đảm bảo tất cả công nhân được trả lương đủ sống trong vòng 3 tháng

Khi người tiêu dùng ý thức hơn về nguồn gốc hàng hóa của họ, nhu cầu về các sản phẩm có đạo đức sẽ tăng lên. Bạn có thể chiếm lòng trung thành của khách hàng đồng thời lấy giá cao hơn trong khi làm việc đó.

Từ “đạo đức” rất mơ hồ và có thể có nhiều nghĩa. Ví dụ: bạn có thể khẳng định rằng những người lao động làm ra sản phẩm của bạn được trả cao hơn 25% so với mức lương trung bình của ngành đó, hoặc dây chuyền sản xuất của bạn tạo công ăn việc làm giúp phụ nữ thoát khỏi bạo lực gia đình.

  • S - Cụ thể: Chúng ta tập trung vào tất cả các công nhân nhà máy để họ có mức lương đủ sống.
  • M - Có thể đo lường: Chúng ta sẽ yêu cầu dữ liệu chi phí sinh hoạt của công nhân, sau đó so sánh, đánh giá liên tục xem mức lương có đáp ứng được chưa.
  • A - Có thể đạt được: Việc kiểm tra và đối chiếu, hay thay thế đội ngũ tổ chức nhà máy là có thể đạt được.
  • R - Phù hợp: Nhiều khách hàng chi tiêu dựa trên các giá trị đạo đức của họ. Việc đáp ứng đời sống công nhân sẽ giúp chúng ta giành được những khách hàng trung thành.
  • T - Có thời hạn: Mục tiêu là hoàn thành trong 3 tháng.

Tăng thị phần trong nước của phần mềm bán chạy nhất tối thiểu 10% đến cuối năm

Tăng thị phần là mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ.

  • S - Cụ thể: Chúng ta biết khu vực địa lý, dòng sản phẩm và mức độ tăng trưởng (10%) đang cần.
  • M - Có thể đo lường: Chúng ta sẽ đo bằng cách theo dõi khách hàng mới, sự tăng trưởng ở các thị trường mới và tăng trưởng tổng thể ở các thị trường hiện tại.
  • A - Có thể đạt được: Nhìn chung, chúng ta đã tăng thị phần 8% vào năm ngoái và cảm thấy mục tiêu lần này có thể thực hiện được.
  • R - Phù hợp: Tăng trưởng thị phần thường dẫn đến doanh thu cao hơn và nhiều khách hàng hơn, cùng các lợi ích khác cho doanh nghiệp.
  • T - Có thời hạn: Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình vào cuối năm nay.

mục tiêu smart nguyên tắc đặt ví dụ

Phát triển bộ phận IT nội bộ trong 6 tháng

Tất cả những doanh nghiệp sử dụng máy tính đều cần được hỗ trợ IT. Bạn có thể thuê ngoài, nhưng khi doanh nghiệp phát triển, sẽ tiện lợi và tiết kiệm hơn khi có bộ phận IT nội bộ, như trong ví dụ về mục tiêu SMART sau đây.

  • S - Cụ thể: Mục tiêu này yêu cầu thêm một bộ phận mới vào cơ cấu tổ chức và bố trí nhân sự cho bộ phận đó.
  • M - Có thể đo lường: Mục tiêu này có thể đo được bằng sự xuất hiện của bộ phận IT, và số lượng người cần thuê.
  • A - Có thể đạt được: Đây là một mốc thời gian hợp lý cho mục tiêu này, chúng ta có đủ nguồn lực và chuyên môn để tạo ra bộ phận này, cũng như thuê những người có năng lực.
  • R - Phù hợp: Bộ phận IT nội bộ sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và tiền bạc, giúp nhân viên làm việc hiệu quả và tập trung hơn.
  • T - Có thời hạn: Thời hạn cho mục tiêu này là 6 tháng.

Lập kế hoạch cho 5 webinar giáo dục khách hàng vào quý IV

Chúng ta sẽ lập kế hoạch và thực hiện 5 webinar (hội thảo online) nhằm giáo dục khách hàng vào quý IV, với hơn 15 người tham dự mỗi sự kiện và thu lại ít nhất 80% phản hồi hài lòng về nội dung.

  • S - Cụ thể: Mục tiêu là lập kế hoạch cho 5 webinar.
  • M - Có thể đo lường: Chúng ta sẽ đánh giá số lượng người tham dự mỗi webinar, và phân tích kết quả khảo sát người tham dự.
  • A - Có thể đạt được: Nhân sự và tài nguyên hệ thống có sẵn, nhu cầu cũng có sẵn.
  • R - Phù hợp: Các webinar này sẽ giúp tạo khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ, ngoài ra chúng ta sẽ củng cố được hình ảnh chuyên môn trên thị trường.
  • T - Có thời hạn: Chúng ta sẽ hoàn thành việc này vào quý cuối năm nay.

Tăng 10% số cuộc gọi lạnh trong năm nay

Với nhiều doanh nghiệp, các cuộc gọi lạnh (cold call - liên hệ lần đầu với khách hàng tiềm năng) là chìa khóa để bán hàng. Cho dù B2B hay B2C, nếu mô hình kinh doanh yêu cầu sales của bạn phải chủ động tiếp cận lead, hãy nghĩ đến việc tăng số lượng cuộc gọi lạnh như trong mục tiêu SMART sau đây.

  • S - Cụ thể: Chúng ta muốn thực hiện nhiều cuộc gọi lạnh hơn so với năm ngoái 10%.
  • M - Có thể đo lường: Có thể dễ dàng so sánh số lượng cuộc gọi được thực hiện trong năm ngoái với số lượng cuộc gọi được thực hiện trong năm nay.
  • A - Có thể đạt được: Chúng ta có thể tăng mức thưởng để thúc đẩy sales thực hiện nhiều cuộc gọi hơn. Việc tuyển thêm người hoặc chuyển một số nhân viên parttime thành fulltime nếu cần sẽ không có trở ngại.
  • R - Phù hợp: Nếu tỷ lệ chuyển đổi của các cuộc gọi vẫn ổn định, doanh số bán hàng tổng thể của chúng ta sẽ phải tăng.
  • T - Có thời hạn: Chúng ta phải hoàn thành mục tiêu này vào cuối năm.

Tăng traffic website 25% đến tháng 12 năm nay

Nếu website doanh nghiệp hoạt động tốt, hẳn bạn đã biết tỷ lệ chuyển đổi, CTR và doanh số của mình. Tăng traffic sẽ giúp tăng doanh số của bạn, miễn là tỷ lệ chuyển đổi ổn định, như trong ví dụ về mục tiêu SMART sau.

  • S - Cụ thể: Để tăng 25% số lượng khách truy cập vào trang web của chúng ta.
  • M - Có thể đo lường: Tăng lượng khách hàng hằng năm của chúng ta từ 10000 lên 12500.
  • A - Có thể đạt được: Nhóm marketing inbound của chúng ta đã có sẵn các chiến lược nội dung chắc chắn. Chúng ta có thể thuê thêm các chuyên viên kỹ thuật nếu cần.
  • S - Phù hợp: Chúng ta càng có nhiều lưu lượng truy cập, chúng ta càng kiếm được nhiều, và phạm vi tiếp cận của chúng ta càng lớn.
  • T - Có thời hạn: Chúng ta muốn hoàn thành mục tiêu này vào tháng 12 năm nay.

Nên và Không Nên làm gì khi đặt mục tiêu SMART

Vừa rồi bạn đã xem một số ví dụ về mục tiêu SMART. Sau đây chúng tôi muốn chia sẻ với bạn những điều NênKhông Nên làm khi đặt mục tiêu. Infographic này liệt kê cụ thể những hành động bạn cần khuyến khích hoặc loại trừ khi lập mục tiêu SMART:

nguyên tắc đặt mục tiêu smart và ví dụ mục tiêu smart cho doanh nghiệp nhỏ slimcrm

Bỏ túi 6 tips đặt mục tiêu SMART cho doanh nghiệp nhỏ

Có chiến lược để đưa doanh nghiệp đi đúng hướng với mục tiêu SMART sẽ giúp thành công tới sớm và vững chắc hơn. Hãy ghi nhớ những mẹo này khi bạn lên mục tiêu SMART nhé.

  1. Thu hút tất cả nhân sự cùng tham gia: Mọi người sẽ say mê hơn với các mục tiêu mà họ góp phần tạo ra. Hãy yêu cầu tất cả cùng brainstorm và chọn ra những điều cần làm nhất.
  2. Lập kế hoạch hành động: Như việc cần đi mọi bước để kết thúc được một hành trình, hãy lập các mục tiêu SMART nhỏ để giúp bạn đạt được mục tiêu SMART tổng thể.
  3. Viết ra: Mỗi người cần tạo một bản kế hoạch cá nhân với mục tiêu lớn và mục tiêu nhỏ. Mục tiêu lớn cần liên hệ với nhau. Điều này giúp cả doanh nghiệp đi đúng hướng.
  4. Đánh giá liên tục: Sau mỗi dự án, hãy yêu cầu mọi người đánh giá hiệu suất của riêng họ và hiệu suất của cả nhóm. Mục tiêu là gì? Bạn đã đạt được chưa? Phần nào thuận lợi? Phần nào khó khăn? Điều gì đáng lẽ đã khác đi? Bạn đã học được gì? Sau đây, bạn sẽ làm gì để cải thiện hiệu suất của mình trong tương lai?
  5. Xem xét lại các mục tiêu khi cần: Đôi khi bạn cần phải thay đổi kế hoạch, hoặc thậm chí điều chỉnh mục tiêu SMART. Hãy dành thời gian để đảm bảo rằng kế hoạch vẫn phù hợp với mục tiêu và tầm nhìn tổng quát của bạn.
  6. Sử dụng phần mềm quản lý mục tiêu: Càng ngày, việc thiết lập, theo dõi và đánh giá mục tiêu thủ công sẽ càng khó hơn khi dữ liệu tăng lên. Một phần mềm quản lý mục tiêu  như SlimCRM có thể giúp bạn dễ dàng nắm bắt tiến độ và điều chỉnh mục tiêu hay kế hoạch kịp thời vì lợi ích chung của doanh nghiệp. Cùng với mục tiêu SMART, SlimCRM tích hợp tính năng quản trị mục tiêu theo KPI và OKRs, giúp doanh nghiệp dễ dàng đánh giá, thúc đảy hiệu suất toàn bộ phòng ban trong công ty.

Có thể bạn quan tâm: Quản lý mục tiêu với OKRs và KPI: Kết hợp để thành công

Kết luận

Một doanh nghiệp không có mục tiêu cũng giống như người lang thang không đích đến. Việc lập mục tiêu SMART đảm bảo rằng các bạn không chỉ biết những gì mình muốn đạt được, mà còn biết cách cụ thể để đạt được chúng, hơn nữa còn nhìn rõ sự tiến bộ của tập thể suốt chặng đường. Hy vọng với gợi ý trên đây, doanh nghiệp nhỏ đã nắm được chìa khóa để tập trung nguồn lực và chinh phục những thử thách xứng đáng trong hành trình tương lai.

SlimCRM - phần mềm quản lý