Bạn đang chèo lái một doanh nghiệp trong thế giới kinh doanh đầy biến động? Bạn muốn đưa con thuyền của mình đến bến bờ thành công nhưng lại gặp nhiều chông gai? Quản trị chiến lược chính là la bàn giúp bạn định hướng, vượt qua mọi thử thách và đạt được mục tiêu.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ thường bỏ qua việc hoạch định chiến lược mà đi thẳng vào kế hoạch hành động. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, tại những doanh nghiệp năng động và bùng nổ nhất thế giới như Apple, Microsoft hay gần đây là Tiktok, OpenAI…thì quản trị chiến lược luôn được chú trọng từ khi còn là start-up. Nói như vậy để bạn thấy được tầm quan trọng của quản trị chiến lược với sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Có nhiều bài viết và có nhiều “trường phái” về quản trị chiến lược. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi sẽ dựa trên quan điểm quản trị chiến lược của Fred R. David - bậc thầy trong nghiên cứu và giảng dạy về strategic management có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu để làm rõ mọi vấn đề liên quan. Hãy cùng theo dõi nhé!
Quản trị chiến lược là gì?
Quản trị chiến lược (Strategic Management) được định nghĩa là nghệ thuật và khoa học của việc xây dựng, triển khai và đánh giá các quyết định liên chức năng, giúp tổ chức đạt được mục tiêu của mình. Quản trị chiến lược tập trung vào việc tích hợp các lĩnh vực quản lý, marketing, tài chính và kế toán, sản xuất và vận hành, nghiên cứu và phát triển (R&D) và hệ thống thông tin để đạt được thành công cho tổ chức.
Trong bài viết này, "quản trị chiến lược" và "lập kế hoạch chiến lược" được dùng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, đôi khi "quản trị chiến lược" còn bao gồm cả việc xây dựng, triển khai và đánh giá chiến lược, trong khi "lập kế hoạch chiến lược" chỉ tập trung vào việc xây dựng chiến lược thôi.
Bạn có thể hình dung công ty như một đội bóng đá đang tham gia giải đấu. Để giành chiến thắng, đội bóng cần có chiến thuật thi đấu bài bản, linh hoạt và phù hợp với đối thủ. Tương tự như vậy, một công ty muốn thành công cũng cần có một "chiến thuật" - đó chính là kế hoạch chiến lược.
Nói cách khác, thay vì "mông lung" thử mọi hướng đi, kế hoạch chiến lược giúp công ty tập trung nguồn lực, thời gian và công sức vào những hoạt động mang lại giá trị cao nhất, từ đó tăng khả năng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
3 giai đoạn của quản trị chiến lược
3 giai đoạn của quản trị chiến lược bao gồm: strategy formulation (lập kế hoạch chiến lược), strategy implementation (triển khai chiến lược) và strategy evaluation (đánh giá chiến lược)
Lập kế hoạch chiến lược - Strategy Formulation
Lập kế hoạch tổng thể là quá trình giúp bạn trả lời 5 câu hỏi quan trọng:
- Mình muốn đạt được gì? (Xác định tầm nhìn và sứ mệnh)
- Mình đang ở đâu? (Phân tích điểm mạnh, điểm yếu)
- Xung quanh có gì? (Nhận diện cơ hội và thách thức bên ngoài)
- Mình có thể làm gì? (Lên các phương án chiến lược)
- Cách nào hiệu quả nhất? (Chọn chiến lược phù hợp để theo đuổi)
Những quyết định này rất quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến sản phẩm, thị trường, tài nguyên và công nghệ mà tổ chức sẽ tập trung trong một thời gian dài.
Cùng với kế hoạch chiến lược thì những quyết định chiến lược cũng cần được tập trung vào giai đoạn này. Cụ thể, bạn cần cân nhắc đến 6 loại quyết định:
- Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bằng cách tham gia vào các lĩnh vực mới.
- Tái cơ cấu danh mục đầu tư bằng cách từ bỏ các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả.
- Mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại hay đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.
- Tham gia vào thị trường quốc tế hay tập trung vào thị trường nội địa.
- Sáp nhập hoặc liên doanh với các đối tác khác.
- Phòng tránh việc bị thâu tóm thù địch.
Strategy-Formulation Analytical Framework (Khung phân tích lựa chọn chiến lược)
Giai đoạn 1: Thu thập thông tin đầu vào (Input Stage)
- Giai đoạn này giống như gom nguyên liệu để xây chiến lược.
- Ở đây, bạn sẽ sử dụng 3 công cụ chính:
- Ma trận Đánh giá Yếu tố Bên ngoài (EFE): Xác định các cơ hội và thách thức bên ngoài công ty ảnh hưởng đến bạn (ví dụ: xu hướng thị trường mới, luật mới).
- Ma trận Đánh giá Yếu tố Bên trong (IFE): Xác định những điểm mạnh và điểm yếu của chính công ty bạn (ví dụ: đội ngũ nhân viên tài năng, công nghệ lạc hậu).
- Ma trận Hồ sơ Đối thủ Cạnh tranh (CPM): So sánh năng lực của bạn với các đối thủ cạnh tranh (ví dụ: ai có sản phẩm tốt hơn, ai có chiến lược marketing mạnh hơn).
Giai đoạn 2: Kết hợp Yếu tố (Matching Stage)
- Giai đoạn này giống như trộn nguyên liệu để tạo ra các công thức chiến lược khác nhau.
- Bạn sẽ sử dụng các công cụ để kết hợp những điểm mạnh, điểm yếu bên trong với các cơ hội, thách thức bên ngoài nhằm tạo ra các chiến lược khả thi.
- Một số công cụ phổ biến:
- Ma trận SWOT: Phân tích Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities), Thách thức (Threats) để đưa ra các chiến lược tận dụng điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, nắm bắt cơ hội và tránh thách thức.
- Các ma trận khác: Ví dụ như ma trận SPACE giúp đánh giá vị thế chiến lược, ma trận BCG phân tích các sản phẩm/dịch vụ, ma trận nội ngoại IE hoặc ma trận Grand, v.v.
Giai đoạn 3: Ra Quyết định (Decision Stage)
- Giai đoạn này giống như chọn ra công thức chiến lược tốt nhất.
- Bạn sẽ sử dụng Ma trận Lập kế hoạch Chiến lược Định lượng (QSPM): Đây là công cụ giúp bạn đánh giá khách quan mức độ hấp dẫn của các chiến lược đã lập ở giai đoạn 2. QSPM sẽ cho bạn biết chiến lược nào có tiềm năng thành công cao nhất.
Tham khảo: Lập kế hoạch chiến lược theo mô hình Gartner
Triển khai chiến lược - strategy implementation
Bạn đã có một chiến lược kinh doanh đỉnh cao, khiến đối thủ phải chào thua? Tuyệt vời! Nhưng mà...giấy thì chưa bao giờ gói được lửa cả. Muốn biến kế hoạch thành hiện thực, đưa công ty bay cao thì chúng ta cần hành động cụ thể (action stage)! Và để làm được điều đó, thì cần phải:
1. Mục tiêu rõ ràng như ban ngày: Mỗi năm, phải xác định những đích đến cụ thể, giống như các cột mốc trên bản đồ. Có vậy, cả đội mới biết đi đâu, làm gì cho hiệu quả.
2. Luật chơi phải chất: Thiết lập những chính sách, quy định giúp mọi người hiểu cách chơi, tuân theo luật để cùng về đích.
3. Khơi dậy tinh thần đồng đội: Làm sao để nhân viên hào hứng, hăng say chiến đấu? Động viên, khen thưởng đúng lúc chính là bí kíp.
4. Sắp xếp quân cờ cho chuẩn: Cân đối nguồn lực (tiền bạc, con người,...) phù hợp với từng nhiệm vụ, giống như sắp xếp đội hình trong trận đấu vậy.
6. Thay đổi hoạt động Marketing: Điều chỉnh các chiến dịch marketing sao cho phù hợp với chiến lược mới, thu hút khách hàng hiệu quả hơn.
8. Kiểm soát chặt chẽ: Lập ngân sách rõ ràng, theo dõi chi tiêu sát sao để đảm bảo nguồn lực được sử dụng đúng mục đích.
9. Thông tin thông suốt: Phát triển hệ thống thông tin giúp mọi người cập nhật kế hoạch, hiểu rõ nhiệm vụ, theo dõi tiến độ và giao tiếp hiệu quả.
10. Thưởng phạt công bằng: Kết nối thành quả công việc của nhân viên với mức thưởng, phạt. Làm tốt được khen thưởng, làm chưa tốt thì góp ý/phạt kịp thời.
Đánh giá chiến lược - Strategy Valuation
Đánh giá chiến lược là giai đoạn cuối cùng trong quá trình quản trị chiến lược. Cũng giống như việc bạn cần kiểm tra xem các mảnh ghép đã khớp hay chưa, các nhà quản lý cần biết liệu chiến lược đã thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.
Tại sao việc này lại quan trọng? Vì thế giới xung quanh chúng ta luôn thay đổi, từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh đến cả thị trường. Chiến lược hay ho đến mấy cũng có thể bị lỗi thời nếu không được đánh giá và điều chỉnh kịp thời.
Thuật ngữ về quản trị chiến lược
Competitive Advantage - Lợi thế cạnh tranh
Quản trị chiến lược tập trung vào việc đạt được và duy trì lợi thế cạnh tranh. Thuật ngữ này có thể được định nghĩa là bất kỳ hoạt động nào mà một công ty thực hiện đặc biệt tốt so với các hoạt động của các công ty đối thủ, hoặc bất kỳ tài nguyên nào mà công ty sở hữu mà các công ty đối thủ mong muốn.
Một công ty phải phấn đấu đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách: (1) liên tục thích nghi với những thay đổi về xu hướng và sự kiện bên ngoài; nguồn lực, năng lực và tài nguyên nội bộ; và (2) xây dựng, thực hiện và đánh giá hiệu quả các chiến lược tận dụng những yếu tố đó.
Hình trên cho thấy để đạt được và duy trì lợi thế cạnh tranh, một công ty phải tạo ra và nuôi dưỡng một tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng, sau đó tiến hành xây dựng, triển khai và đánh giá chiến lược một cách hệ thống.
Strategists - chiến lược gia
Chiến lược gia là những cá nhân có trách nhiệm lớn nhất đối với sự thành công hay thất bại của một tổ chức. Họ có nhiều chức danh khác nhau, chẳng hạn như giám đốc điều hành, chủ tịch, chủ sở hữu, chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, trưởng khoa và doanh nhân.
Vision & Mission Statement - Tuyên bố tầm nhìn và sứ mệnh
- Một tuyên bố tầm nhìn trả lời câu hỏi "Chúng ta muốn trở thành gì?"
- Một tuyên bố sứ mệnh trả lời câu hỏi "Ngành nghề kinh doanh của chúng ta là gì?"
Việc xây dựng tuyên bố tầm nhìn thường được coi là bước đầu tiên trong lập kế hoạch chiến lược, thậm chí còn trước cả việc phát triển tuyên bố sứ mệnh. Tuyên bố sứ mệnh là những tuyên bố về mục đích lâu dài, phân biệt một doanh nghiệp với các công ty tương tự khác. Tuyên bố sứ mệnh xác định phạm vi hoạt động của công ty về mặt sản phẩm và thị trường.
External Opportunities & Threats - Cơ hội và thách thức bên ngoài
Cơ hội và thách thức là những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hoạch định chiến lược của doanh nghiệp mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được, ví dụ như: Xu hướng và sự kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, dân số, môi trường, chính trị, pháp lý, chính phủ, công nghệ và cạnh tranh…
Ví dụ:
- Tình trạng sẵn có của vốn không còn được coi là đương nhiên nữa.
- AI phát triển mạnh mẽ và ngày càng tác động đến nhiều mặt
- Người tiêu dùng mong đợi các hoạt động và sản phẩm xanh.
- Tiếp thị đang chuyển sang Internet nhanh chóng.
- Giá thực phẩm hàng hóa đang tăng.
- Cung vượt cầu đối với dầu mỏ đang kéo giá dầu và khí đốt giảm xuống
- Suy thoái kinh tế…
Internal Strong & Weakness - Điểm mạnh và điểm yếu
- Các hoạt động nằm trong tầm kiểm soát của tổ chức được thực hiện đặc biệt tốt hoặc kém
- Được xác định khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh
Tham khảo: Sales Battlecard - Bảng phân tích cạnh tranh bán hàng mẫu
Long - term objective - mục tiêu dài hạn
- Là những kết quả cụ thể mà một tổ chức mong muốn đạt được trong quá trình thực hiện sứ mệnh cơ bản của mình.
- "Dài hạn" được hiểu là hơn một năm.
- Cần có tính thách thức, đo lường được, nhất quán, hợp lý và rõ ràng.
Strategies - chiến lược
Chiến lược là những phương thức nhằm đạt được mục tiêu dài hạn, có thể bao gồm:
- Mở rộng địa bàn hoạt động
- Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ
- Mua lại doanh nghiệp khác
- Phát triển sản phẩm mới
- Thâm nhập thị trường
- Thu hẹp quy mô hoạt động
- Bán tài sản
- Giải thể doanh nghiệp
- Liên doanh
Annual objectives - mục tiêu hàng năm
Mục tiêu hàng năm là những cột mốc ngắn hạn mà tổ chức cần đạt được để hướng đến các mục tiêu dài hạn. Chúng phải:
- Có thể đo lường được: Số lượng, tỷ lệ phần trăm, đơn vị cụ thể...
- Định lượng: Con số hoặc số lượng cụ thể, tránh mơ hồ.
- Thách thức: Khuyến khích sự phấn đấu, vượt qua giới hạn.
- Thực tế: Có thể đạt được với nỗ lực và nguồn lực phù hợp.
- Phù hợp: Liên quan và hỗ trợ lẫn nhau trong tổng thể mục tiêu chung.
- Ưu tiên: Xác định những mục tiêu quan trọng nhất cần tập trung.
Trong một tổ chức lớn, mục tiêu hàng năm cần được thiết lập ở cấp công ty, bộ phận và phòng ban chức năng. Mỗi mục tiêu dài hạn cần có một bộ mục tiêu hàng năm tương ứng. Mục tiêu hàng năm đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai chiến lược, trong khi mục tiêu dài hạn quan trọng trong việc xây dựng chiến lược.
Policy - chính sách
Chính sách bao gồm các hướng dẫn, quy tắc và thủ tục được thiết lập để hỗ trợ cho việc đạt được các mục tiêu đã nêu.
Các mô hình quản trị chiến lược
Ba câu hỏi quan trọng cần trả lời khi phát triển một kế hoạch chiến lược là:
- Chúng ta đang ở đâu hiện tại?
- Chúng ta muốn đi đến đâu?
- Làm thế nào để đến đó?
Nguồn: Fred R. David, “How Companies Define Their Mission,” Long Range Planning
Bố cục được minh họa trong trên là một mô hình toàn diện, được chấp nhận rộng rãi về quá trình quản lý chiến lược. Mô hình này không đảm bảo thành công, nhưng nó đại diện cho một cách tiếp cận rõ ràng và thực tế để lên kế hoạch, triển khai cũng như đánh giá các chiến lược.
Lợi ích của quản trị chiến lược
Quản trị chiến lược cho phép một tổ chức chủ động hơn trong việc định hình tương lai của mình thay vì phản ứng một cách bị động. Quá trình này giúp tổ chức khởi xướng và tác động (thay vì chỉ phản hồi) đến các hoạt động, do đó, kiểm soát được vận mệnh của chính mình.
Xưa nay, vai trò của quản trị chiến lược là giúp các tổ chức xây dựng chiến lược tốt hơn thông qua việc sử dụng phương pháp tiếp cận ra quyết định có hệ thống, logic và lý tính hơn.
Hình trên minh họa lợi ích nội tại của một công ty tham gia vào quá trình lập kế hoạch chiến lược. Giao tiếp có thể được xem là chìa khóa thành công của quản trị chiến lược.
Lợi ích tài chính
Các doanh nghiệp áp dụng các khái niệm về quản trị chiến lược cho thấy sự cải thiện đáng kể về doanh số, lợi nhuận và năng suất so với các công ty không có hoạt động lập kế hoạch bài bản.
Những công ty hoạt động hiệu quả thường có xu hướng lập kế hoạch chiến lược một cách hệ thống để chuẩn bị cho những biến động trong tương lai dưới ảnh hưởng của môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Ngược lại, những công ty "hứng thì làm, chán thì nghỉ", không có kế hoạch rõ ràng thì dễ bị "mù đường", loay hoay mãi mà chẳng đi đến đâu. Đôi khi may mắn thì thắng vài nước nhỏ, nhưng về lâu dài thì thua là cái chắc.
Lợi ích phi tài chính
Ngoài việc giúp các công ty tránh khỏi nguy cơ khủng hoảng tài chính, quản trị chiến lược còn mang lại những lợi ích hữu hình khác, chẳng hạn như:
- Nhận thức rõ ràng hơn về các mối đe dọa bên ngoài: Giúp bạn nhìn xa hơn về tương lai, dự đoán những nguy cơ tiềm ẩn từ thị trường, đối thủ cạnh tranh, thay đổi công nghệ,... để chủ động phòng ngừa.
- Hiểu rõ hơn về chiến lược của đối thủ: Quản trị chiến lược giúp bạn phân tích điểm mạnh, điểm yếu, chiến lược của đối thủ. Nhờ vậy, bạn có thể đưa ra chiến lược cạnh tranh hiệu quả để đánh bại đối thủ và giành lợi thế trên thị trường.
- Tăng năng suất của nhân viên: Quản trị chiến lược giúp mọi người trong công ty hiểu rõ mục tiêu chung và vai trò của họ trong việc đạt được mục tiêu đó. Nhờ vậy, "tinh thần chiến đấu" của nhân viên sẽ được thổi bùng, thúc đẩy họ làm việc hiệu quả hơn.
- Xóa bỏ mọi rào cản thay đổi: Thay đổi là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, nhiều người lại "sợ hãi" thay đổi vì lo lắng những rủi ro tiềm ẩn. Quản trị chiến lược giúp bạn lập trình một lộ trình rõ ràng cho sự thay đổi, từ đó xóa bỏ những lo lắng và e ngại của nhân viên, khuyến khích họ đưa ra ý tưởng mới và thử nghiệm.
- Kết nối hiệu quả giữa công việc và khen thưởng: Nhờ có hệ thống quản trị chiến lược rõ ràng, mọi người sẽ hiểu được mối liên hệ trực tiếp giữa nỗ lực của họ và thành quả chung của công ty. Từ đó, họ sẽ có thêm động lực để cống hiến và gặt hái những thành quả xứng đáng.
Tại sao một số công ty không thực hiện quản trị chiến lược?
10 cái cớ thường được đưa ra cho việc lập kế hoạch chiến lược kém hoặc không có trong một công ty như sau:
- Không có đào tạo chính thức về quản trị chiến lược
Trời ơi, học hành gì cho mệt!". Chưa được đào tạo bài bản về quản trị chiến lược nên thấy khó, ngại bắt đầu.
- Không hiểu hoặc không đánh giá cao những lợi ích của việc lập kế hoạch
"Lập kế hoạch có mà... phí thời gian!" Chưa hiểu rõ lợi ích của việc có một la bàn định hướng, được đâu hay đấy, mò mẫm trong kinh doanh.
- Không có phần thưởng tài chính cho việc lập kế hoạch:
"Cố gắng hoài, có ai thưởng đâu?" Hệ thống chưa khuyến khích lập kế hoạch, nên thiếu động lực để đầu tư công sức.
- Không bị phạt vì không lập kế hoạch
"Không làm cũng có sao đâu mà!" Chưa thấy hậu quả nặng nề khi không có kế hoạch, chủ quan cho rằng mọi chuyện vẫn ổn.
- Quá bận “chữa cháy” (giải quyết khủng hoảng nội bộ) nên không có thời gian để lên kế hoạch trước
Mải giải quyết vấn đề trước mắt, không dành thời gian nhìn xa trông rộng.
- Xem việc lập kế hoạch là lãng phí thời gian, vì không tạo ra sản phẩm/dịch vụ trực tiếp
"Kế hoạch chỉ là lý thuyết suông!" Nghĩ rằng lập kế hoạch chỉ tốn thời gian, không mang lại hiệu quả thực tế
- Lười biếng
Lập kế hoạch đòi hỏi thời gian, công sức, mà "thời gian là tiền bạc" cơ mà!
- Hài lòng với thành công hiện tại
"Đang ăn sung sung sướng sướng, cần gì phải lo xa?" Đang thành công thì cứ thế mà hưởng thụ, chưa nhận ra rằng thành công hôm nay không đảm bảo thành công ngày mai. Trong khi đó, ngay cả những công ty lớn như Apple cũng phải liên tục cập nhật và cải thiện kế hoạch để duy trì vị thế dẫn đầu.
- Quá tự tin
Sự tự tin quá mức có thể khiến các nhà lãnh đạo đánh giá thấp tầm quan trọng của việc lập kế hoạch hoặc tin rằng bản thân có thể thích nghi với bất kỳ thay đổi nào mà không cần đến kế hoạch.
- Kinh nghiệm xấu trước đây với việc lập kế hoạch chiến lược
Có thể từng trải nghiệm kế hoạch thất bại trong quá khứ, nên giờ đây tránh xa, không dám lập kế hoạch nữa.
Cạm bẫy trong quá trình lập kế hoạch chiến lược
- Sử dụng lập kế hoạch chiến lược để kiểm soát các quyết định và nguồn lực, dẫn đến việc thiếu tính minh bạch và hạn chế sự sáng tạo.
- Chỉ lập kế hoạch chiến lược để đáp ứng các yêu cầu của bên kiểm định hoặc quy định, khiến kế hoạch trở nên hời hợt và thiếu thực tế.
- Quá vội vàng chuyển từ phát triển sứ mệnh sang xây dựng chiến lược
- Không giao tiếp kế hoạch cho nhân viên, khiến họ tiếp tục làm việc trong bóng tối
- Giám đốc cấp cao đưa ra nhiều quyết định trực giác mâu thuẫn với kế hoạch chính thức: Điều này có thể tạo ra sự nhầm lẫn và làm suy giảm niềm tin vào kế hoạch.
- Giám đốc cấp cao không tích cực hỗ trợ quá trình lập kế hoạch chiến lược
- Không sử dụng kế hoạch làm tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả, khiến kế hoạch trở nên vô nghĩa và khó thực hiện.
- Ủy thác lập kế hoạch cho một "chuyên gia lập kế hoạch" thay vì cộng tác tất cả các nhà quản lý, dẫn đến việc thiếu quyền sở hữu và thiếu hiểu biết về kế hoạch.
- Không kéo được các nhân viên chủ chốt trong tất cả các giai đoạn lập kế hoạch: Điều này có thể dẫn đến sự thiếu cam kết và thiếu đóng góp từ những người thực sự thực hiện kế hoạch.
- Không tạo ra môi trường hợp tác hỗ trợ thay đổi: Điều này có thể khiến nhân viên ngại thay đổi và làm cho việc thực hiện kế hoạch trở nên khó khăn.
- Coi lập kế hoạch là không cần thiết hoặc không quan trọng: Điều này có thể dẫn đến việc thiếu định hướng và tổ chức trong công ty.
- Bị cuốn hút quá nhiều vào các vấn đề hiện tại đến mức không lập kế hoạch đủ hoặc không lập kế hoạch: Điều này có thể khiến công ty không sẵn sàng cho những thách thức và cơ hội trong tương lai.
- Lập kế hoạch quá cứng nhắc đến mức kìm hãm sự linh hoạt và sáng tạo: Điều này có thể khiến công ty khó thích nghi với những thay đổi trong môi trường kinh doanh.
So sánh một chút về chiến lược kinh doanh và chiến lược quân sự. Hãy hình dung thế này: Chiến lược kinh doanh giống như "cạnh tranh" trong một cuộc thi đấu trí, còn chiến lược quân sự lại giống như "chinh phục" trong một trận chiến thực sự. Trong kinh doanh, bạn cần vượt mặt đối thủ bằng sản phẩm, dịch vụ hay giá cả hấp dẫn hơn. Còn trong quân sự, bạn cần đánh bại kẻ thù để bảo vệ đất nước và giành chiến thắng.
Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở mục đích và phương pháp. Kinh doanh hướng đến lợi nhuận và phát triển bền vững, trong khi quân sự hướng đến chiến thắng và bảo vệ. Kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, còn quân sự có thể dùng đến vũ lực. Nhưng dù khác nhau thế nào, cả hai đều cần thích nghi với sự thay đổi, liên tục cải thiện để thành công.
Vậy nên, đừng nghĩ chiến lược chỉ dành cho các vị tướng ngoài chiến trường! Mỗi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều cần có chiến lược kinh doanh riêng để "chinh phục" thị trường và đạt được mục tiêu.
Hoạch định và quản trị chiến lược tốt hơn với SlimCRM
Nguồn lực mạnh không có chiến lược cũng tản mát hết. Nguồn lực ít thì càng cần chiến lược hay để biến thành doanh thu tốt, marketing tốt. Tuy nhiên, chiến lược cũng là "con dao hai lưỡi", đòi hỏi đội ngũ nhân sự xuất sắc và có thể "ngốn" cực kỳ nhiều chất xám. Việc truyền tải và "ghim chặt" chiến lược vào từng thành viên trong doanh nghiệp cũng là bài toán nan giải bởi không phải ai cũng có tầm nhìn chiến lược và cam kết đồng hành cùng mục tiêu chung.
Dựa trên mô hình quản trị chiến lược Fred R. David, SlimCRM tự tin là công cụ đắc lực hỗ trợ bạn biến chiến lược thành hành động hiệu quả. Dưới đây là cách SlimCRM hỗ trợ bạn trong từng bước của mô hình:
Nhiều người thường lầm tưởng CRM chỉ đơn giản là một phần mềm quản lý khách hàng. Tuy nhiên, CRM thực sự là một chiến lược, một hệ thống và cả một quy trình giúp doanh nghiệp nâng tầm hiệu quả hoạt động và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Tại sao tôi có thể khẳng định như vậy?
- CRM là chiến lược vì nó là một kế hoạch tổng thể giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh của mình thông qua việc quản lý hiệu quả các mối quan hệ với khách hàng. CRM bao gồm việc xác định các phân khúc khách hàng mục tiêu, xây dựng chiến lược tiếp thị và bán hàng phù hợp, và cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất.
- CRM là quy trình vì nó là một chuỗi các hoạt động liên kết với nhau nhằm quản lý các mối quan hệ với khách hàng. Quy trình CRM bao gồm các bước như thu thập thông tin khách hàng, phân tích dữ liệu khách hàng, xây dựng chiến lược tiếp thị và bán hàng, và cung cấp dịch vụ khách hàng.
- CRM là hệ thống thông tin vì nó là một tập hợp các công cụ và phần mềm giúp doanh nghiệp thu thập, lưu trữ, phân tích và sử dụng dữ liệu khách hàng. Hệ thống CRM giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn.
Hơn thế nữa, SlimCRM được phát triển dựa trên mô hình Extended CRM - CRM mở rộng, mang đến cho bạn một giải pháp toàn diện hơn so với các phần mềm CRM truyền thống. SlimCRM không chỉ giúp bạn quản lý khách hàng (yếu tố bên ngoài) hiệu quả mà còn hỗ trợ bạn quản lý các nguồn lực của doanh nghiệp:
- Quản trị nguồn nhân lực (HRM): Thu hút, tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân tài.
- Quản trị tài chính (FM): Theo dõi dòng tiền, lập kế hoạch ngân sách và tối ưu hóa chi phí.
- Quản trị tài sản (Asset Management): Quản lý hiệu quả các tài sản của doanh nghiệp.
Với SlimCRM, bạn có thể:
- Có được cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp: Theo dõi tất cả các khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp từ một hệ thống duy nhất.
- Đưa ra quyết định sáng suốt: Dựa trên dữ liệu thu thập được từ các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp.
- Tăng hiệu quả hoạt động: Nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và tiết kiệm chi phí.
- Gia tăng lợi thế cạnh tranh: Cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn và tạo dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Tóm lại, Với CRM, chiến lược của bạn sẽ được thực thi hiệu quả hơn, mang đến lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Đặt trong bối cảnh mọi doanh nghiệp đều đặt khách hàng làm trung tâm thì CRM càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết!
Mời bạn trải nghiệm miễn phí SlimCRM để xem cách chúng tôi cài đặt mindset quản trị chiến lược như thế nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ!
Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu rõ những vấn đề cơ bản nhất về quản trị chiến lược. Trong những bài viết tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục đào sâu hơn về các vấn đề trong mô hình quản lý chiến lược ở trên. Đừng quên theo dõi SlimCRM để được cập nhật những kiến thức mới bạn nhé!